Hà Tiên là một thị xã biên giới, tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá 90km đường bộ. Dưới thời Pháp thuộc có khi Hà Tiên là một tỉnh, có khi là một quận. Thời VNCH, Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang. Ngày nay đây là Huyện Hà Tiên cũng thuộc Kiên Giang (thủ phủ là Rạch Giá).
Đặc điểm:
Thị xã Hà Tiên được hình thành cách đây gần 300 năm mà tên tuổi của nó được gắn liền với dòng họ Mạc.
Tuy là một vùng đất biên thuỳ xa nơi kinh thành đô hội, Hà Tiên lại là quê hương của những nhà thơ, nhà văn hoá nổi tiếng. Thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phát và nữ sĩ Mộng Tuyết sinh sống ở Hà Tiên. Đây cũng là quê hương của soạn giã Hà Triều Hoa Phượng. Tỉnh Kiên Giang là sinh quán của nhà văn Sơn Nam, nhạc sĩ Lam Phương và nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà nổi tiếng với bài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím. Hà Tiên cũng là bối cảnh của tuồng cải lương Áo Cưới Trước Cổng Chùa, một tuồng cải lương rất ăn khách trong thập niên 60.
Hà Tiên còn là nơi hội tụ của nhiều danh lam thắng cảnh, thiên nhiên hoang sơ đầy quyến rũ: có hang sâu, động hiểm, nhiều đảo đá trên biển; có sông, hồ, chùa, lăng tẩm và nhiều bãi tắm đẹp.
Thơ mộng Đông Hồ
Trước đây, để vào Hà Tiên người ta phải qua cầu phao bắt ngang sông Tô Châu. Bây giờ đã có một cầu bêtông rất vững chắc nên xe qua sông rất thuận tiện. Cầu mới cũng có tên là cầu Tô Châu. Từ trên cầu nhìn toàn cảnh Hà Tiên cũng khá đẹp. Ở đây có núi, có sông, có hồ. Dưới sông thuyền bè tấp nập. Trên núi có hai tịnh xá thuộc phái Khất sĩ. Phía dưới là phố chợ Hà Tiên.
Thị xã Hà Tiên sầm uất và nên thơ nằm giữa các núi pháo đài (Kim Dữ), núi Lăng (Bình San), núi Ngũ Hổ và Đông Hồ. Muốn ngắm toàn cảnh Hà Tiên không gì thú bằng trèo lên tận đỉnh núi Tô Châu, một quả núi nho nhỏ, xinh xắn nằm phía trước thị xã.
Đứng từ đỉnh, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh quan Đông Hồ, một hồ nước có chiều dài 3km và rộng 2km, ở ngay cửa sông Giang Thành. Đông Hồ đẹp nhất vào những đêm gió mát trăng thanh, do đó họ Mạc (Mạc Cửu) mới đặt tên là “Đông Hồ ấn nguyệt” tức Đông Hồ in bóng trăng.
Ngày xưa, gần núi Tô Châu có một đảo nhỏ gọi là Tiểu Kim Dữ, nay đã dính vào địa đầu núi này. Đối diện với Tiểu Kim Dữ là Đại Kim Dữ ở bên mé chợ Hà Tiên, họ Mạc đặt tên là “Kim Dữ lan đào” (hòn đảo vàng chắn sóng gió).
Lăng họ Mạc
Từ mé Kim Dữ đi về hướng tây vài km là đến núi Lăng tức Bình San. Họ Mạc đặt tên là “Bình san điệp thuý”. Trên núi Lăng có lăng mộ họ Mạc, hiện nay còn khoảng hơn 40 ngôi, có bia đá. Ngôi mộ Mạc Cửu quy mô hơn cả, chiếm địa thế cao nhất. Trước lăng có tượng Mạc Cửu mặc nhung phục, tay cầm kiếm đứng trên một bệ cao oai phong lẫm liệt. Dưới chân núi Lăng có đền thờ họ Mạc, lúc nào cũng mở cửa để khách thập phương đến chiêm bái.
Từ lăng tẩm họ Mạc, du khách có thể đến thăm chùa Phù Dung gần đó. Chùa do Mạc Thiên Tích xây để cho bà vợ thứ tu hành. Còn một ngôi chùa khác mang tên Tam Bảo do Mạc Cửu xây để cho mẹ già tu niệm cùng với hai quả đại hồng chung ngân vang, được họ Mạc đặt tên là “Tiêu tự thần chung”.
Những khối đá kỳ hình dị dạng
Từ chợ Hà Tiên đi về hướng biên giới chừng 3km là Thạch Động. Động đá này cao 98m, hình dáng tương tự như chiếc mũ lông của lính ngự lâm Hoàng gia Anh Quốc, trông vừa đẹp vừa lạ mắt. Đi thêm chừng 2km nữa thì đến núi Đá Dựng. Đây là ngọn núi đá vôi cao 83m, đỉnh bằng phẳng, bên trong có nhiều hang động đầy thạch nhũ óng ánh trông như ngọc châu. Họ Mạc đặt tên là “Châu nham lạc lộ” (châu nham là núi như châu ngọc, lạc lộ là bãi chim cò thường đến ngủ).
Nếu đi dọc bờ biển, cách thị xã 4km là Mũi Nai, cao 100m, trên đỉnh có ngọn hải đăng xây từ thế kỷ 19. Từ xa trông Mũi Nai nhô ra biển chẳng khác nào đầu chú nai đang ngơ ngác nhìn sóng nước. Đẹp nhất và nổi tiếng nhất phải kể đến hòn Phụ Tử (đã bị đổ), xưa nay là hình ảnh biểu trưng cho non nước Hà Tiên thơ mộng và quyến rũ. Hòn Phụ Tử gồm hai trụ đá, một cao lớn, một thấp bé nhô lên từ biển trông như hình tượng cha con quấn quýt lấy nhau, dầm mưa dãi nắng từ bao vạn kỷ giữa mặt nước trong xanh...
Bãi biển Mũi Nai là một bãi biển đẹp của đất Hà Tiên nằm gần biên giới Miên - Việt. Đây là một bãi biển đẹp với những hàng cây bàng và dừa rậm mát bên bờ biển. Dưới những cây bàng, người ta đặt bàn ghế và ghế bố để du khách có thể ngồi nghỉ ngơi và tắm biển. Bãi biển hình vòng cung, phía xa là một dãy núi thấp. Ngoài khơi mấy chiếc thuyền nhỏ đi lại, phong cảnh hữu tình.
Nằm cách trung tâm Hà Tiên chừng 3 km giữa đồng bằng có một khối đá nhô lên cao khoảng 90 mét, bên trong khối đá nầy là Thạch Động. Người dân địa phương tin rằng Thạch Động chính là nơi mà chàng Thạch Sanh đã cứu công chúa trong câu chuyện cổ Thạch Sanh Lý Thông.
Cửa động khá cao, cạnh đó là ba chữ Hán "Tiên Sơn Động". Hàng triệu năm trước, nước đã xâm thực giữa khối đá vôi khoét ra một khoảng trống lớn đủ để xây được một ngôi chùa với những nhũ đá đẹp trên vách động. Đông còn có một giếng sâu, người dân nơi đây cho rằng giếng nầy ăn thông ra tới biển, vì nếu bỏ một trái bưởi có đánh dấu vào đây, một thời gian sau ta có thể thấy trái bưởi ở ngoài bờ biển.
Từ trong lòng Thạch Động, có nhiều nhánh thông ra bốn phía. Trần mỗi nhánh động cũng khá cao và có bậc thang để ta có thể ra tận cửa hang ngắm cảnh. Từ cửa hang bên phía tây ta có thể nhìn những cánh đồng bát ngát kéo dài từ Việt Nam qua tận Campuchia. Biên giới với nước bạn chỉ cách đây chỉ vài cây số.
Hiện nay, nhiều di tích cấp QG tại Hà Tiên bị xâm hại nhiều do sự xói mòn của thiên nhiên lẫn sự thiếu quan tâm của con người, đáng tiếc thay!
Tổng hợp từ Tổng cục du lịch Việt Nam, Lãng Tử 360plus
ĐGD
0 comments:
Post a Comment