Đến với hồ Ba Bể du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mênh mông sông nước giữa núi rừng xanh thẳm với nhiều thảm thực vật quý hiếm và cảm nhận những nét nguyên sơ giữa đại ngàn, hay đi thăm thác Đồng Đẳng, ao Tiên, động Phuông, đảo Bà Góa… du khách còn được “quyến rũ” bởi những nếp nhà sàn truyền thống của bản Pác Ngòi xã Nam Mẫu (Ba Bể) và ở đó khách có thể được “chiêu đãi” bằng những nét bản sắc độc đáo của người Tày bản địa.
Nhà Văn hóa truyền thống thôn Pác Ngòi - một trong những chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa |
Bản Pác Ngòi có hơn 40 nếp nhà sàn truyền thống nằm nép mình bên triền núi nhưng được hiện hữu ngay bên hồ Ba Bể do đó càng làm tôn thêm vẻ đẹp của vùng du lịch sinh thái vốn nổi tiếng nới đây.
Thật lạ, trong khi ở nhiều địa phương khác những nếp nhà sàn truyền thống dần được thay thế bằng những ngôi nhà xây kiên cố, hiện đại thì tại đây bản Pác Ngòi vẫn còn đó những ngôi nhà sàn mang dáng vẻ nguồn gốc vốn có từ xưa.Theo chính quyền nơi đây cho biết: Người dân địa phương không xây dựng nhà cửa hiện đại không phải vì họ không có tiền mà là bởi họ muốn giữ gìn, bảo tồn vốn văn hóa của người Tày. Nếu không có những ngôi nhà sàn thì bản Pác Ngòi không còn là Pác Ngòi nữa.
Bà Triệu Thị Ngọc, người đã gắn bó với những nếp nhà sàn gần trọn cuộc đời, nói: Sống ở vùng du lịch chúng tôi không thể nghèo mãi được mà phải bứt phá từ những bản sắc độc đáo mà dân tộc mình có và giới thiệu cho du khách, như thế bà con trong thôn vừa có thêm thu nhập vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa của người Tày chúng tôi.
Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những nếp nhà sàn đẹp, bình dị giữa sương giăng mù trời bên mặt nước hồ xanh thẳm mà còn được sống trong vốn văn hóa đặc sắc của người Tày bản địa. Điều này thể hiện trước tiên khi khách lên cầu thang thì đã phải bỏ lại giầy, dép. Vào trong nhà, bên bếp lửa bập bùng là hình ảnh của những người dân bản địa đang ngồi quây quần trong những câu chuyện về thời sự, chính trị, kinh tế…
Chính những điều này đã góp phần gắn kết cộng đồng thôn xóm từ bao đời nay. Nếu có hứng thú du khách cũng có thể ngồi cùng bà con bên bếp lửa hồng để nghe những câu chuyện kể về người đàn bà trong chiếc thuyền vỏ trấu, với 1 ao Tiên khuất trong núi đá…và nếu khách là người sành các món ẩm thực cũng sẽ có dịp sưu tầm cho mình hương vị riêng từ những món ăn độc đáo ở bản Pác Ngòi như thịt dê nướng ăn với xôi nếp nướng, cá nướng, tép chua…
Nếu khách có nhu cầu về văn hóa – văn nghệ cũng có thể đặt vấn đề với chủ nhà và sẽ có ngay một đội văn nghệ địa phương luôn sẵn sàng biểu diễn các tiết mục hát then, đàn tính mượt mà đằm thắm chắc chắn sẽ làm lưu luyến bước chân du khách, khiến ai từng nghe cũng “không muốn về”.
Đến đây, sống cùng người dân du khách còn được chiêm ngưỡng những hiện vật thể hiện rõ nét đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Tày bản địa như: chài, lưới, mây tre đan, vải tràm, nhạc cụ dân tộc mà trong đó không thể thiếu bộ xóc nhạc hay cây đàn tính vốn từng làm mê mẩn khách phương xa.
Người dân ở đây vốn rất thân thiện, họ luôn sẵn sàng cho do khách nghỉ qua đêm và nấu những món ăn địa phương để thiết khách với giá rất ưu đãi. Đối với khách Tây bà con thu 80 nghìn đồng/đêm, khách Việt chỉ lấy 50 nghìn đồng/đêm. Với giá mềm như vậy đối với một dịch vụ nhà nghỉ chắc chắn không có được. Trong khi đó, du khách còn được hưởng một không gian thoáng đáng, cảm nhận tình người ấm áp và quan trọng hơn cả là được trang bị vốn kiến thức về văn hóa giàu bản sắc vốn rất phong phú ở nơi đây.
Bà Triệu Thị Nái, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, thăm gia đình bà Triệu Thị Ngọc, 1 trong 7 hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng để bảo tồn ngôi nhà sàn theo kiểu truyền thống của đồng bào dân tộc Tày.
“Chiêu đãi” du khách bằng vốn văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đang là mục tiêu và xu thế phát triển trong loại hình du lịch ở Pác Ngòi. Chính điều này đã góp phần thu hút khách du lịch đến với bản Pác Ngòi nói riêng và hồ Ba Bể nói chung trong suốt thời gian qua.
Đặc biệt là đối với khách nước ngoài, họ rất thích tìm hiểu về bản sắc văn hóa tại mỗi địa điểm họ đến du lịch, do đó khi đến với hồ Ba Bể họ thường đến với Pác Ngòi, nghỉ lại tại những ngôi nhà sàn truyền thống, nghe các làn điệu then tính và cảm nhận vốn bản sắc độc đáo của người Tày…
Hiện nay, những nếp nhà sàn truyền thống, những vốn văn hóa đặc sắc không chỉ được chính người dân địa phương có ý thức bảo tồn, giữ gìn mà trong thời gian gần đây, từ các Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện “Dự án Bảo tồn và Phát triển làng văn hóa truyền thống bản Pác Ngòi”.
Thông qua Dự án, bản Pác Ngòi đã và đang được đầu tư, cải tạo, xây dựng các tiểu dự án nhỏ nhằm tiếp tục bảo tồn giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể địa phương, cụ thể như: Xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, đầu tư các trang thiết bị cho nhà văn hóa cộng đồng, bảo tồn cảnh quan môi trường sinh thái, hỗ trợ tôn tạo các nhà sàn cổ…
Những hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, bảo tồn và làm phong phú thêm vốn văn hóa đặc sắc của người dân bản địa, qua đó gắn phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Đây sẽ là cơ sở để tạo sức hấp dẫn cho Pác Ngòi và góp phần tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho du khách khi đến với hồ Ba Bể.
0 comments:
Post a Comment