“Lỗi NHÂN SỰ” đã được chính thức dùng để đổ cho tai nạn thảm khốc làm đắm một chiếc thuyền trên vịnh Hạ Long làm thiệt mạng 12 người vào tuần trước. Chắc chắn đúng là thế. Nhưng chính xác là lỗi của ai?
Viên thuyền trưởng 22 tuổi – người không chìm theo chiếc thuyền – và một thuyền viên của mình đã bị khởi tố tội cẩu thả, theo một tường thuật ngày 21 tháng Hai. Van nối hệ thống làm mát máy với nước biển đã được mở suốt đêm, khiến nước tràn vào lòng tàu. Chiếc thuyền Biển Mơ bị chìm bất thình lình vào khoảng 5 giờ sáng. Mười một người nước ngoài và một hướng dẫn viên người Việt bị chết đuối. Chín du khách khác sống sót.
Trong khía cạnh nào đấy, những tai nạn như thế này không phải là hiếm hoi. Tháng Giêng 2009 một chiếc thuyền đã bị chìm tại miền trung Việt Nam, làm thiệt mạng 40 người Việt. Mặc dù thảm hoạ này được đổ cho những nguyên nhân tương tự nhưng câu chuyện của nó không làm nhiều người quan tâm như những tựa đề báo chí nước ngoài ở trên.
Chỉ thiệt hại mạng người thôi không đủ để làm chính quyền quan tâm. Sự kiện xảy ra tại vịnh Hạ Long vào tuần trước đã đòi hỏi quan tâm đặc biệt khi tai nạn tồi tệ nhất gây thiệt hại đến ngành du lịch Việt Nam trong 25 năm qua. Tiêu chuẩn an toàn đã từng bị nới lỏng ở vịnh Hạ Long: điều này đã được biết rõ. Nhưng giờ đây những công ty du lịch khác đang trông đợi một cú véo đầy đau đớn.
Cũng như vài khu vực phát triển nhanh khác trên thế giới, Việt Nam đã xuất sắc trong việc lôi kéo vô số du khách nước ngoài trong mười năm qua. Khó khăn tiếp diễn của họ là làm thế nào để thuyết phục những du khách giàu có rằng kỳ nghỉ mát đẹp và lạ của họ cũng rất an toàn.
Những ai làm việc trong ngành du lịch Việt Nam dường như đều đồng ý về nguyên nhân dẫn đến thảm hoạ tại vịnh Hạ Long: những chiếc thuyền buồm rẻ tiền cũ rích, già cỗi “mỏi mệt”, được điều khiển bởi những gã “cao bồi”. Tim Russell sở hữu một công ty lữ hành mang tên Come and Go Việt Nam và cũng viết blog về ngành du lịch địa phương. Ông thường phê phán nặng nề một số đối thủ của mình. Trong một bài viết mới nhất của mình mang tên ”Liệu có ai học được lần này?”, ông đã tổng hợp những bực bội mà những người trong ngành ông cảm nhận.
Ông Russell đã đưa ra một điểm đặc biệt sắc bén. “Các diễn đàn trên mạng Tripadvisor đầy dẫy ý kiến của những nhân viên du lịch tại Hà Nội, rằng ‘Đừng vội qui trách nhiệm, mọi việc đều có thể xảy ra, vân vân,’ và tồi tệ hơn nữa, họ còn bảo rằng nếu những du khách trên chiếc thuyền ấy chịu đặt gói du lịch đắt tiền hơn, họ đã không chết, làm như an toàn là một thứ được dành riêng cho những du khách hạng sang.” Dường như họ hy vọng rằng có một loại du khách có thể bị dụ dỗ để tảng lờ thảm hoạ may rủi – nếu họ được trấn an rằng chiếc thuyền của họ sẽ ra khơi êm thắm.
Du lịch hạng sang cũng đã cất cánh tại Việt Nam trong những năm qua (nếu bạn không cho rằng việc đi trên một chuyến xe với giao thông tắt nghẽn dài bốn tiếng đến vịnh để bạn lựa chọn việc đi thăm viếng trên trực thăng thay vì trên chiếc thuyền riêng của mình) và đây là điều mà ngành du lịch địa phương đang tìm cách phát triển. Lĩnh vực du lịch hạng sang đang tìm mọi cách để tránh xa tai nạn đây tai tiếng này. Nhưng phần lớn thị phần đã và vẫn thuộc về du lịch “rẻ tiền”: những du khách ba lô chuyên ăn bánh chuối nướng, những gói du lịch dành cho du khách Trung Quốc chuộng giá rẻ và những du lịch siêu rẻ cho thị trường trong nước.
Lĩnh vực du lịch giá rẻ tìm cách kiếm lợi bằng việc lơ là nhiều tiêu chuẩn an toàn vẫn được áp dụng bởi những công ty du lịch quốc tế. Năm 2009, một chiếc xe đầy những du khách người Nga đi từ bờ biển Mũi Né, một điểm nóng của du khách Nga, lên thăm một nhà ga cũ trên núi ở Đà Lạt đã rơi xuống vực bên một con đường dốc cao. Hơn mười người bị thiệt mạng. Chính quyền địa phương đã hứa hẹn ra tay nhanh chóng; người lái xe sống sót trong tai nạn đã bị truy tố vài ngày sau đấy. Nhưng biến người lái xe này hoặc người lái xe khác thành kẻ ác độc không giải quyết được cội rễ của vấn đề, và, trên giả thuyết, cũng không làm mọi người nghĩ rằng Việt Nam là một điểm đến an toàn.
Chiếc Biển Mơ là một con thuyền mục nát đã được nêu rõ trong trang blog này. Mặc dù những du khách ba lô tại Việt Nam thường kén chọn, những bức ảnh chụp của họ cũng rất thuyết phục. Báo cáo mới nhất cho biết con thuyền này không có giấy phép. Theo một báo cáo khác thì công ty sở hữu thuyền Biển Mơ cũng chịu trách nhiệm trong một tai nạn khác trong năm 2009, làm chết bốn người cũng trong khu vực này.
Một cố vấn du lịch bền vững làm việc tại vịnh Hạ Long (yêu cầu giấu tên) đã phản ứng với một giọng mỉa mai khủng khiếp “Wow, lại xảy ra nữa à.” Nhiều con thuyền được phép chuyên chở du khách thiếu “cả những qui trình hoặc dụng cụ an toàn cơ bản nhất.” Nếu muốn ngành kỹ nghệ còn sơ sinh này nở rộ, các cơ quan có trách nhiệm sẽ phải bắt đầu tự mình quan tâm đến toàn bộ nghành du lịch.
Diên Vỹ dịch
URL: http://www.economist.com/blogs/asiaview/2011/02/vietnams_tourism_industry
Bàn luận khác:
Fatal Halong Bay Sinking – Will Anyone Learn This Time?
Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=6474
0 comments:
Post a Comment