Kiều Nương
(TBKTSG) – Câu chuyện những vị “mặt sắt” ngăn chặn buổi tiệc Tất niên Xuân Tân Mão của người Việt tại Liepzig (CHLB Đức) được TS. Nguyễn Sỹ Phương kể đúng vào lúc vừa xảy ra thảm nạn tại Hạ Long (Bài “Chính khách, quan chức, công dân và số phận đất nước”, TBKTSG ngày 17-2-2011).
Nhưng sự hụt hẫng của những người tham dự buổi tiệc không thể so sánh với thảm họa nếu hôm ấy chẳng may xảy ra hỏa hoạn.
Hóa ra những người có thẩm quyền của Đức trong khi lạnh lùng tuyên bố “Luật phòng chống cháy đặt tính mạng con người trên hết. Nếu vẫn thấy không có tính người, các ngài luôn có cơ hội chống lại nó, viện khẩn cấp đến tòa án – quyền của bất kỳ công dân nào” thì họ lại tỏ ra phân vân trước số phận của mấy đứa trẻ người Việt mặc dù về luật thì các cháu này phải rời khỏi nước Đức.
Chuyện kể của TS. Phương cho thấy ở một đất nước nổi tiếng về ý thức kỷ luật thật ra lại rất có tình người. Cái tình không đến từ sự thỏa thuận mà từ “trước hết bởi chính hành xử của hệ thống quan chức chính khách tạo nên thể chế đó trước những đòi hỏi của từng thân phận, cuộc sống thường nhật của mỗi con người, bất luận là nhà nước gì; cùng ý thức trách nhiệm của mọi công dân trước đồng loại mình, dù họ là ai!”.
Ở vụ đắm tàu ở Hạ Long, sự khác biệt của chúng ta là thiếu “ý thức trách nhiệm trước đồng loại” trong đăng kiểm nói riêng, thi hành và giám sát thi hành luật nói chung. Để một con tàu vừa được đăng kiểm mới bốn tháng đã dìm xuống biển 12 sinh mạng cùng bao hệ lụy cho ngành du lịch và cả bộ mặt đất nước là do chính cái “tình người có điều kiện”.
Phát biểu của một quan chức trên báo điện tử Vnexpress ngày 18-2 rằng: “Chúng tôi cam kết xử lý nghiêm, nếu nguyên nhân chìm tàu có liên quan tới các cán bộ thì cũng không vì thế mà châm chước” đã cố tỏ rõ sự công minh nhưng vô tình lại tự xác nhận thêm một dạng “tình người” khác: dân và cán bộ không bình đẳng trước pháp luật.
Đáng tiếc là việc xử sự theo kiểu “mặt sắt” tại xứ ta của những người có thẩm quyền lại không xuất phát từ sự nghiêm minh của pháp luật mà phần lớn lại từ sự vô cảm, tùy tiện. Chuyện ngăn cấm xe lôi, hàng rong… là những điển hình về sự lúng túng trước yêu cầu chấn chỉnh trật tự giao thông và thân phận những con người.
Chỉ có tính người – ý thức trách nhiệm trước đồng loại – mới mang lại tình người – cho dù họ là ai. Chẳng phải chúng ta đã có hai minh chứng tốt đẹp khi chính sách và trách nhiệm trước đồng loại thực sự hòa hợp đã làm cho những việc ngỡ như không thể thực hiện lại đã hết sức thành công là cấm đốt pháo và đội mũ bảo hiểm đó sao?
Bài đã đăng tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn (số 24.2.2011)
http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/bandocviet/48513/Tinh-nguoi.html
Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=6438
0 comments:
Post a Comment