Trần Kiêm Mỹ Xuyên
Du khách đến Kiên Giang ít để ý đến Kiên Hải, một huyện gồm 23 hòn đảo lớn nhỏ cách nhau chừng 30 km, nằm rải rác trên vùng biển Tây Nam. Huyện đảo này có 4 xã là Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du. Phong cảnh biển đảo đẹp, dân cư chuyên nghề chài lưới. Hòn Tre – trung tâm hành chính của huyện, được quy hoạch đầu tư vùng du lịch sinh thái mới của tỉnh Kiên Giang.
Hòn Tre, trung tâm huyện đảo Kiên Hải, Kiên Giang. Ảnh: Mỹ Xuyên
Nếu đi tàu khách từ Rạch Giá ra hòn Sơn Rái (Lại Sơn) mà muốn quay về trong ngày thì thời gian lên đảo chỉ được hơn một tiếng đồng hồ, vì thế chúng tôi bao hẳn một tàu cao tốc với giá 5 triệu đồng.
Nhổ neo lúc 8g30 sáng, thay vì đi thẳng Sơn Rái, chúng tôi hướng về hòn Tre ngay trước mặt Rạch Giá. Lũ hải âu bay theo tiễn một đoạn xa. Những giề lục bình mới trôi ra biển lớn vẫn còn tươi xanh. Chỉ sau 20 phút, hòn Tre rõ dần trước mặt. Lúc này nó rất giống một con rùa với đám mây thường trực trên đỉnh.
Người địa phương có cả một bài vè để nhớ tên các hòn này:
“Hòn Mấu nhìn thấu Đô Nai; Đô Nai quay sang hai Bờ Đập; Bờ Đập đắp qua hao hòn Lò; hòn Lò mò sang hòn Ngang; hòn Ngang nhìn sang hòn Đụng; hòn Đụng cụng về Bỏ Áo; Bỏ Áo tháo qua hòn Dầu; hòn Dầu chầu qua hòn Ông; hòn Ông dong qua hòn Dâm; hòn Dâm đâm sang hòn Tre; hòn Tre de lại hòn Móc; hòn Móc sóc qua hòn Nhàn; hòn Nhàn quàng qua hòn Hàng; hòn Hàng quàng qua ba hòn Nồm; hòn Nồm chồm lên hòn Khô; hòn Khô nhảy vô hòn Lớn…”
Chúng tôi lên bờ hòn Tre, nơi này gần Rạch Giá, thuộc xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải. Nắng đẹp nên người ta phơi, vá lưới đầy cầu cảng. Một chú bé chuyển lú (một loại bẫy mực) xếp lên ghe, chuẩn bị ra biển bẫy mực. Vài chiếc ghe chất đầy vỏ ốc, thoạt nhìn tưởng như vừa ăn no ốc biển chờ bốc lên bờ. Nhưng không phải vậy, những vỏ ốc này cũng dùng để bẫy mực. Lũ mực thấy vỏ ốc rỗng là bò vào ngủ và khi chúng tỉnh giấc thì đã nằm trên tàu!
Chỉ cần 20.000đ, bạn có thể thuê một cuốc xe ôm chạy hết đảo (mà thực ra chỉ có một con đường ngắn dọc bờ biển). Hòn Tre còn có các địa danh như hòn Non, động Dừa, đường Đá Chuông, đường suối Lách, suối ông Tà, mũi Viết, đá Bia, đá Tàu, đầu Rùa, đuôi Hà Bá… có các suối nước chảy quanh năm như suối Lớn, suối Nhỏ, suối Vàng.
Sau vài chục phút loanh quanh hòn Tre chúng tôi nhổ neo đi về phía nam. Chừng hơn nửa tiếng sau thì thấy Sơn Rái hiện rõ trước mặt. Tên chính thức của hòn đảo này là Lại Sơn thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải; ngoài ra còn gọi hòn Sơn hay hòn Rái. Có hai truyền thuyết về cái tên hòn đảo này: Một cho rằng do Nguyễn Ánh đặt để nhớ ơn một con rái cá không lồ dâng cá và thức ăn khi ông bôn tẩu đến đảo này. Tích khác cũng cho rằng tên do Nguyễn Ánh đặt, nhưng để ghi ơn lũ rái cá xóa dấu vết của ông khi trốn chạy quân Tây Sơn.
Một chú bé chuyển lú (một loại bẫy mực) xếp lên ghe, chuẩn bị ra biển bẫy mực. Ảnh: Mỹ Xuyên
Sơn Rái không có cầu cảng nên tàu thả neo ngoài xa, thuyền nhỏ ra tận nơi đón khách vào bờ. Ảnh: Mỹ Xuyên
Tàu vào Bãi Nhà, thuyền nhỏ túa ra đón. Ở đây không có cảng mà chỉ có bãi (cũng là ấp), tàu lớn không cập bến được nên nếu có đến đây bạn phải dự trù cả chi phí thuê ghe nhỏ đón, đưa. Tại ấp Bãi Nhà có đình Thần Lại Sơn, miếu Bà Cố Chủ, thánh thất Cao Đài và chùa Hải Sơn.
Sơn Rái có diện tích 11,7km2 mà hầu hết là núi rừng, toàn đảo như một quả núi có 7 đỉnh nhấp nhô. Có 5 bãi và cũng là 5 khu dân cư: bãi Nhà (bãi chính, có trụ sở UBND xã Lại Sơn), bãi Bấc, các bãi Thiên Tuế, bãi Giếng, bãi Bàng đều là những bãi tắm đẹp. Ngoài ra còn lối đi lên đỉnh Ma Thiên Lãnh với độ cao 450 mét so với mặt biển là một thử thách hấp dẫn.
Đình thần trên đảo Lại Sơn (hòn Sơn Rái) ở bãi Nhà. Ảnh: Mỹ Xuyên
Miếu thờ Nam Hải tướng quân (cá voi) trên hòn Sơn Rái. Ảnh: Mỹ Xuyên
Đường sá trong thôn xóm trên hòn Sơn Rái khá sạch sẽ. Ảnh: Mỹ Xuyên
Chúng tôi thuê tàu nhỏ đi quanh hòn để tìm một bãi thích hợp cho việc tổ chức một kỳ dã ngoại, cắm trại vài chục người nhưng ở đây không thể tìm đâu ra một mặt bằng sạch, có thể đáp ứng các nhu cầu hỗ trợ hậu cần, cấp cứu, chợ búa và giao thông thuận tiện. Với điều kiện hiện nay, Sơn Rái chỉ thích hợp cho vài người đi tour mạo hiểm, tour dã ngoại nhóm nhỏ.
Trên đảo chỉ có nhà trọ của ông Bảy Nữa nằm sát vách trụ sở ủy ban xã tại Bãi Nhà. Giá 30.000đ/phòng 1 giường. Có điều lạ là thức ăn của quán xá ở đây lại chỉ chế biến từ thịt. Nếu muốn thưởng thức những đặc sản biển, bạn chỉ có cách đặt trước một quán ăn nào đó. Tiện nhất là đặt cơm chủ nhà trọ, giá cả khá bình dân.
Từ biển nhìn vào các bãi đều thấy bảng hiệu rải rác và hầu hết là của các hãng nước mắm. Cần nói rõ là chất lượng nước mắm Lại Sơn không hề thua kém Phú Quốc, cũng đã có tên tuổi lâu đời nhưng vẫn chưa tạo được thương hiệu mạnh như Phú Quốc. Vấn đề ở khả năng tổ chức tiếp thị, quảng bá thương hiệu.
Từ biển nhìn vào các bãi đều thấy bảng hiệu rải rác và hầu hết là của các hãng nước mắm. Ảnh: Mỹ Xuyên
Tình cờ chúng tôi gặp được một con tàu đang kéo lưới trước bãi Thiên Tuế. Không nhiều cá lắm. Trong tương lai, một chợ cá trên biển sẽ được xây dựng tại đây, được kỳ vọng trở thành một trong mười khu kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng như hòn Tre, Sơn Rái đang làm đường bộ quanh hòn. Lâu nay các bãi qua lại chỉ bằng ghe nhỏ. Việc làm đường đã tạo sự phấn khích rất lớn cho người dân và xe gắn máy cũng bắt đầu xuất hiện.
Gần 2 giờ chiều, chúng tôi quay về mà vẫn không tìm được một địa điểm mới trên vùng biển Tây Nam cho một chuyến dã ngoại đông người; có lẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài Phú Quốc. Những bãi tắm hoang sơ như tiên cảnh của Sơn Rái chỉ còn trong quá khứ hoặc phải tìm đến hòn Nam Du xa hơn về phía nam.
Đỉnh Ma Thiên Lãnh trên hòn Sơn Rái. Ảnh: Mỹ Xuyên
Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=7120
0 comments:
Post a Comment