Đọc báo thấy bài này đáng chú ý liên hệ tới phong trào Chiếm Phố Wall, xin chép lại để mai mốt đọc lại kỹ hơn. Bài sau đây được đăng trên trang Web "CAND Online" ngày 23 tháng 10 năm 2011.
" Trong khi Thủ tướng Nga Putin khẳng định, làn sóng biểu tình “Chiếm Phố Wall” sẽ không thể lan tới nước này thì tờ Thời báo Hoàn cầu, phụ san của Nhân dân nhật báo của Trung Quốc cho rằng, người Trung Quốc cần quan sát kĩ lưỡng hơn nữa về phong trào biểu tình này cũng như tình hình thế giới, cần tỉnh táo để không bị nhiễm các tư tưởng cực đoan.
Điều đáng nói là phong trào "Chiếm Phố Wall" được nhóm Adbusters có trụ sở ở Canada khởi xướng theo cảm hứng từ phong trào "Những người phẫn nộ" tại Tây Ban Nha diễn ra hồi giữa năm 2011, nhưng không tạo được sự chú ý của dư luận.
Giờ đây, phong trào "Chiếm Phố Wall" đã tạo được sự quan tâm, chú ý đặc biệt của dư luận bởi bùng phát tại một trong những trung tâm của chủ nghĩa tư bản: thành phố New York, Mỹ và đã lan tới gần 1.000 thành phố ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Từ đốm lửa nhỏ đốt cháy khu rừng lớn
Có lẽ nhóm Adbusters không thể ngờ việc đưa tin đậm nét các cuộc biểu tình ở Tây Ban Nha trên tạp chí của họ lại có tác động sâu đậm và ảnh hưởng mang tầm quốc tế như hiện nay. Khi đề xướng tổ chức biểu tình ở phố Wall - kinh đô tài chính của Mỹ và thế giới, nhóm Adbusters chỉ nghĩ đây là nơi đặt trụ sở những cơ quan tài chính và tập đoàn tài chính ngân hàng hàng đầu của Mỹ.
Mục đích ban đầu của người biểu tình chỉ nhằm chống sự bất bình đẳng thu nhập trong xã hội, chống những ảnh hưởng của các tập đoàn tài phiệt đến hệ thống tài chính Mỹ, tiếp đến là thể hiện sự thất vọng đối với sự điều hành kinh tế của chính phủ do Tổng thống Barack Obama lãnh đạo.
Nhưng hiện nay nhiều người coi phong trào "Chiếm Phố Wall" đang biến đổi cả về chất và lượng bởi không chỉ giới hạn trong việc yêu cầu chống tăng học phí, tạo công ăn việc làm, đánh thuế người giàu nhiều hơn, mà đã muốn ngân hàng chấm dứt việc tịch thu nhà vì chủ không còn khả năng trả nợ, rút quân Mỹ ở nước ngoài về nước, chuyển ngân sách chiến tranh cho giáo dục, cải thiện dân sinh…
Biểu tình tại một số quốc gia trên thế giới.
Không những nhanh chóng thu hút được sự tham gia đông đảo của nhiều thành phần trong xã hội, mà còn tạo được hiệu ứng xã hội ngoài sự mong muốn. Ngoài những người dân thu nhập thấp thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, chính trị, tôn giáo, chủng tộc, nhiều chính trị gia có danh tiếng cũng tham gia biểu tình. Đại đa số họ là những người bất mãn với sự bất công của xã hội tư bản Mỹ.
Sau khi diễn ra tại khoảng 70 thành phố ở 600 cộng đồng dân cư trên khắp nước Mỹ, phong trào "Chiếm Phố Wall" đã nhanh chóng lan tới nhiều thành phố trên thế giới và một trong những khẩu hiệu và biểu ngữ được người biểu tình sử dụng nhiều nhất là "Chúng tôi là 99%".
Trong khi 99% phải thắt lưng buộc bụng thì giới chủ tư bản vẫn ung dung hưởng lợi, thậm chí vô trách nhiệm trước tình trạng khủng hoảng kinh tế đất nước. Trong khi 1% là thủ phạm gây ra khó khăn cho nền kinh tế Mỹ, nhưng 99% lại phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do họ gây ra.
Mặc dù chỉ chiếm 1% dân số nhưng những người giàu có lại nắm giữ hơn 40% tổng tài sản nước Mỹ, kiểm soát 1/4 GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới và đây là sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn. Nhiều người coi phong trào "Chiếm Phố Wall" giờ đã trở thành hội chứng "Chiếm Phố Wall".
Lấy cảm hứng từ phong trào và khẩu hiệu "Chiếm Phố Wall", nhiều cuộc biểu tình tương tự đã lan rộng tới nhiều nước phương Tây, cũng như tại một số quốc gia ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ, Mỹ Latinh, châu Phi, châu Đại dương.
Vì đâu nên nỗi
Giới bình luận không loại trừ khả năng người biểu tình ở Mỹ sẽ học cách thức phản kháng của người dân Trung Đông trong các cuộc biểu tình ở một số nước Arab. Theo đó, phong trào "Chiếm Phố Wall" có thể trở thành "Mùa xuân Arab phương Tây" nếu cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội hiện nay không được cải thiện. Tuy phong trào "Chiếm Phố Wall" chưa gây ảnh hưởng và tác động tới việc hoạch định chính sách, nhưng các cuộc biểu tình sẽ tạo ra những thay đổi mang tính đột phá trong thời gian tới nếu đà tăng trưởng kinh tế tiếp tục ở mức độ thấp như hiện nay.
Mặc dù nhiều người cho rằng, "Chiếm Phố Wall" là phong trào có tổ chức lỏng lẻo và không có mục đích chung, song giới phân tích lại coi việc này cuối cùng có thể gây ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách của Washington. Dưới con mắt của giới chuyên môn, phong trào "Chiếm Phố Wall" sẽ tạo được sức mạnh và tầm ảnh hưởng chính trị đáng kể nếu có ngọn cờ lãnh đạo.
Trước mắt, phong trào "Chiếm Phố Wall" sẽ được chính trị hoá bởi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012 đang đến gần. Những người tổ chức và tham gia phong trào "Chiếm Phố Wall" muốn nhà cầm quyền phải quan tâm tới dân sinh, nhất là người nghèo. Giới chuyên môn cho rằng, phong trào "Chiếm Phố Wall" có thể phát triển giống như "Đảng Trà" hiện nay ở Mỹ, đi lên từ phong trào cánh hữu và bảo thủ mang tính chính trị xã hội.
Giới truyền thông cho rằng, những cuộc biểu tình ở Hy Lạp và Mỹ có nhiều điểm giống nhau bởi Athens và Washington đều là cái nôi của dân chủ. Trong khi Hy Lạp khai sinh nền dân chủ trực tiếp thì Mỹ là nền dân chủ đại diện. Khi bước sang tháng thứ hai của phong trào "Chiếm Phố Wall", ngày 17/10, người biểu tình lại dựng trại ở công viên Zuccotti, gần khu phố Wall nhằm tiếp sức cho các cuộc biểu tình lớn quanh khu vực "Quảng trường Thời đại".
Nhiều người nói rằng, khi mới vào Nhà Trắng Tổng thống Barack Obama có 700 tỷ USD để kích cầu, nhưng 2 năm sau, số tiền này không những tiêu hết, nạn thất nghiệp vẫn ở mức 9%-10%, mà còn khiến thị trường bất động sản không thể khởi sắc. Theo thống kê mới nhất cho thấy, có tới 69% người dân Mỹ không tin vào hệ thống ngân hàng và tài chính, 65% không tin Chính phủ, Quốc hội, và các đại công ty.
Không biết cách ủng hộ phong trào "Chiếm Phố Wall" của Tổng thống Barack Obama có giúp ông tái đắc cử trong cuộc tranh cử 2012. Ngày 16/10, tại lễ khánh thành công trình tưởng niệm cố mục sư Martin Luther King (nhà hoạt động nhân quyền bị sát hại hồi thập niên 1960), Tổng thống Barack Obama tuyên bố: nhà lãnh đạo dân quyền nổi tiếng này, nếu còn sống, sẽ muốn chúng ta công khai phản đối sự tham lam của Phố Wall.
Giới truyền thông đưa tin, "Phố Wall" đang đổ tiền cho nghị sỹ đảng Cộng hòa Mitt Rommey thay vì cho Tổng thống Barack Obama. Giới tài chính Phố Wall không muốn đổ tiền cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Barack Obama bởi những chính sách khắt khe của ông đưa ra, trong đó có việc công khai ủng hộ phong trào "Chiếm Phố Wall".
Đảng Cộng hòa, những người phản đối kế hoạch đánh thuế nặng hơn đối với người giàu đã gắn mác "chiến binh giai cấp" cho ông Barack Obama. Các trợ lý của ông Barack Obama cho biết, họ đã lên kế hoạch thắt chặt quan hệ với những người biểu tình như một phần trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2012.
Tới sự lan tỏa không thể kiểm soát
Ngày 15/10/2011 được coi là thời điểm đáng nhớ của phong trào "Chiếm Phố Wall" bởi đã lan tới 951 thành phố ở 82 quốc gia trên thế giới với khẩu hiệu "Đoàn kết vì một sự thay đổi toàn cầu".
Đây là lần đầu tiên phong trào "Chiếm Phố Wall" biểu dương lực lượng trên phạm vi toàn cầu, là sự phản ứng của một thế hệ mất mát, thậm chí còn cảnh báo, phong trào "Chiếm Phố Wall" sẽ là xu thế tại nhiều quốc gia trong vài năm tới. Có người gọi hôm 15/10 là "Ngày hành động" trên phạm vi toàn cầu, là sự "phẫn nộ không biên giới" và là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với mô hình phát triển theo chủ nghĩa tư bản.
Phong trào "Chiếm Phố Wall" bùng phát ngày 17/9/2011 với vài chục sinh viên đại học cắm trại ở quận Manhattan. Nhưng hơn 1 tháng sau, phong trào "Chiếm Phố Wall" đã nhận được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân không chỉ ở Mỹ mà tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Robert Halper, cựu quan chức Phố Wall - Chủ tịch công ty kinh doanh dầu mỏ HPR kiêm Phó Giám đốc sàn giao dịch NYMEX, là nhà tài trợ cá nhân lớn nhất cho phong trào "Chiếm Phố Wall" ở Mỹ cũng ủng hộ quan điểm của Tổng thống Barack Obama - người giàu phải đóng nhiều thuế hơn.
Theo kết quả khảo sát của trường Đại học Quinnipiac, hơn 85% người dân New York, Mỹ thuộc phe Dân chủ và 35% thành viên thuộc phe Cộng hòa ủng hộ phong trào "Chiếm Phố Wall". Người biểu tình nhiều lần tuyên bố, sẽ không khuất phục cho đến khi các nhu cầu của họ được đáp ứng bởi nhiều cử tri đổ lỗi cho chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ.
Cựu Tổng thống Ba Lan Walesa thừa nhận, CNTB đang gặp khủng hoảng và có thể tàn lụi vào cuối thế kỷ này. Điều này cũng cho thấy, nền dân chủ phương Tây đang bị thách thức và đứng trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ sự cảm thông với người biểu tình và cho rằng, một số vấn đề có thể sẽ được chính phủ các nước hữu quan xem xét. Ông Ban Ki-moon cho rằng, những gì đang diễn ra trên thế giới cho thấy, người dân đang thể hiện nỗi thất vọng và cố gắng gửi một thông điệp thật rõ ràng và dễ hiểu đến toàn thế giới.
Các cuộc biểu tình "Chiếm Phố Wall" sau khi khiến cả nước Mỹ bị xáo động, đã đặt các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nước phát triển phương Tây, cũng như tại nhiều quốc gia mới nổi và đang phát triển vào tình thế khó xử bởi không biết người biểu tình thực sự muốn gì.
Khi mới khởi phát tại Mỹ, các cuộc biểu tình "Chiếm phố Wall" chỉ yêu cầu, công ăn việc làm, cải thiện đời sống xã hội, sau đó là đòi công bằng xã hội, biến đổi khí hậu rồi đấu tranh chống CNTB. Giới phân tích chính trị đang tìm câu trả lời về nguyên nhân cũng như chiều hướng phát triển và ảnh hưởng của phong trào "Chiếm Phố Wall" đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của những quốc gia bị "cơn bão" này thổi vào. Một số người coi những cuộc biểu tình vừa qua ở nhiều nước trên thế giới là thể hiện của "cuộc khủng hoảng niềm tin".
Giáo sư Ted Morgan thuộc trường Đại học Lehigh ở bang Pennsylvania, Mỹ nhận định: Làn sóng biểu tình phản ánh nỗi thất vọng về "Giấc mơ Mỹ" do những bất bình đẳng kinh tế-xã hội, giới tính, nghề nghiệp và sắc tộc tạo ra.
Thậm chí có ý kiến cho rằng, các sự kiện diễn ra trong năm 2011 mới là bước khởi đầu và thế giới sắp phải đương đầu với làn sóng tức giận, biểu tình và biến động chính trị ngày một gia tăng theo hệ thống, có thể kéo dài hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ.
Giới phân tích, bình luận và chuyên gia đã đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn tới phong trào "Chiếm Phố Wall", nhưng có thể gói gọn trong câu: tức nước vỡ bờ. Đây là điều tất yếu xảy ra sau khi những bất bình trong xã hội cùng hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính-tiền tệ từ năm 2008 bị cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ 2012 "kích hoạt".
Giới chuyên môn cho biết, thành công của phong trào "Chiếm Phố Wall" có sự đóng góp không nhỏ của quá trình lan rộng nhờ các mạng xã hội. Tính đến nay chỉ riêng tại Mỹ đã có hơn 200 trang Facebook và Twitter được mở ở hàng chục thành phố tại nước này để thảo luận về những gì diễn ra một cách sôi nổi và thoải mái. Mọi người chia sẻ với nhau những thông tin từ các trang tin tức: Tumblr, Youtube và Trendsmap.
Riêng Facebook của Occupy Wall Streets đã thu hút 170.000 thành viên chỉ sau vài tuần ra mắt. Trên Youtube, ít nhất 10.000 đoạn băng hình về phong trào "Chiếm Phố Wall" đã được đăng tải. Các cuộc biểu tình có xu hướng lan rộng nên vai trò của mạng truyền thông xã hội trong việc kêu gọi và quy tụ người biểu tình càng trở nên rõ nét và cấp thiết hơn bao giờ.
Trong khi Thủ tướng Nga Putin khẳng định, làn sóng biểu tình “Chiếm Phố Wall” sẽ không thể lan tới nước này thì tờ Thời báo Hoàn cầu, phụ san của Nhân dân nhật báo của Trung Quốc cho rằng, người Trung Quốc cần quan sát kĩ lưỡng hơn nữa về phong trào biểu tình này cũng như tình hình thế giới, cần tỉnh táo để không bị nhiễm các tư tưởng cực đoan. Các quan chức hàng đầu của chính phủ Iran đều cho rằng, làn sóng biểu tình phản ánh một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và CNTB ở Mỹ sẽ bị lật đổ.
* Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), suy thoái kinh tế toàn cầu đang tạo ra lớp người thất nghiệp mới - tầng lớp thanh niên và sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để tìm việc làm trong những năm tới. Kể từ đầu năm 2011 đã có khoảng 74,6 triệu thanh niên trên thế giới bị thất nghiệp, chiếm 12,6% tổng số người ở độ tuổi 15-24.
Tình trạng này dẫn tới hệ lụy - thanh niên lao vào ma túy vì vỡ mộng, trầm cảm, giận dữ, có người rơi vào vòng xoáy bạo lực và điều nguy hiểm nhất là họ mất niềm tin vào hệ thống chính trị, vào cách điều hành của chính phủ. Và những cuộc nổi loạn, phá phách, cướp bóc ở Anh hồi tháng 8 là minh chứng rõ nhất cho nhận định kể trên.
Theo ILO, hiện trạng kể trên tại các nền kinh tế đang phát triển cũng giống như các nền kinh tế phát triển và mới nổi cho dù tăng trưởng tại khu vực này vẫn ở mức cao khiến cho tỉ lệ thất nghiệp không quá lớn, nhưng thu nhập của lao động trẻ quá thấp. Giới kinh tế cho rằng, chênh lệch giàu nghèo ở Mỹ có thể lớn nhất thế giới bởi lương của Giám đốc điều hành gấp 350 lần lương công nhân, tăng 7 lần so với thập niên 1960-1980.
Nguyễn Thị Lân - Lê Trí Thiện"
(http://www.cand.com.vn/vi-VN/quocte/2011/10/158503.cand)
Link to full article
Home
»
»Unlabelled
» Phong trào Chiếm phố Wall liệu có điểm dừng?
Sunday, November 13, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Popular Posts
-
N hững triền đá thấp cùng dòng nước nhỏ hiền hoà chảy đã mang lại cho thác trượt một trò chơi có tên gọi “trượt thác”. Thác trượt nằm giáp r...
-
Núi Mỏ neo thuộc khu vực tổ 11, phường Minh Khai, thị xã Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Đông núi Mỏ Neo giáp xã Ngọc Đường; Tây núi Mỏ Neo giáp ph...
-
Bạn là người thứ 433, 531 đả thăm viếng Blog. Welcome to my world. Còn vài tuần nữa tôi và người tình trăm năm sẽ thăm viếng...
-
Di tích lịch sử Pác Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là địa điểm từng gắn với hoạt động của Bác trong gi...
-
Có người chê cà phê ở Tùng không có gì xuất sắc lắm, có người than nhạc ở Tùng buồn quá, có người lại nói không gian ở Tùng chật chội nhưng ...
-
Chùa Sùng Khánh là tên gọi khác của chùa Báo Thiên. Chùa nằm trên quốc lộ 2 trên tuyến đường Hà Giang đi Hà Nội, ở Km số 9 thuộc thôn Làng N...
-
Xin chia sẻ với các bạn một vài hình ảnh thành phố biển Venice . Đây là một thành phố biển nổi tiếng nằm ở khu Westside của Los Angeles. ...
-
Myanmar hay còn gọi là Burma, một đất nước mới mở cửa với thế giới sau một thời gian dài bị cấm vận, cô lập bởi Mỹ. Chính sự cô lập đó khiế...
-
Ngày thứ 7 trong tour du lịch " Những vườn quốc gia miền Tây-Bắc Hoa Kỳ và Canada " ( The Northwest National Parks ), vợ chồ...
-
Tọa lạc ở thành phố Victoria, vườn Butchart là điểm du lịch hấp dẫn du khách yêu thích thiên nhiên khi đến với đảo Vancouver của đất nước ...
0 comments:
Post a Comment